Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên tạo nền móng cho trẻ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề mà nổi cộm, bức xúc nhất là tình trạng bạo lực. Để hạn chế tình trạng bạo lực, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hướng dẫn cho toàn thành phố thực hiện Chương trình giáo dục mầm non năm học 2016 – 2017, trong đó có nội dung giảm tải cho giáo viên và tạo điều kiện cho các trường chủ động tìm kiếm phương pháp giáo dục. Động thái này của Sở có tạo nên được một sự khởi sắc cho bức tranh giáo dục mầm non hiện nay?
Lâu nay hầu hết mọi người đều có suy nghĩ, làm nghề cô nuôi dạy trẻ (giáo viên mầm non) là nghề vất vả và chịu nhiều áp lực nhất. Thế nhưng, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (ảnh nhỏ), Trường mầm non Sơn Ca, Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại cho rằng, chị chưa bao giờ thấy công việc của mình là mệt nhọc và vất vả.
Theo cô giáo Tuyết, làm giáo viên mầm non không hề vất vả. Ảnh: T.G
Lối dạy truyền thống: Vất vả mà không hiệu quả
Theo cô giáo mầm non Nguyễn Thị Tuyết, phụ trách quản lý chuyên môn của Trường mầm non Sơn Ca Định Công, khi tham gia một nhóm các cô giáo mầm non trên Facebook, chị nhận thấy một thực tế là, trong suy nghĩ của đồng nghiệp, nhiều người cho rằng, làm nghề cô nuôi dạy trẻ là vất vả và chịu nhiều áp lực. Kêu lương thấp, kêu vất vả, kêu áp lực. Rằng ngày nào cũng phải đón trẻ từ 7h sáng cho tới 17h30 chiều, thậm chí còn muộn hơn. Rằng một cô phụ trách từ 5 – 20 cháu nhỏ (tùy trường). Phải lo cho các cháu ăn, ngủ, vệ sinh. Phải đối mặt với quấy khóc, chống đối, nôn trớ. Rằng phải làm bao nhiêu việc như thế, lại còn dạy các cháu nề nếp, hát múa, vẽ vời… Chưa hết, tối về các cô còn phải soạn giáo án, làm đồ dùng, soạn sổ sách…
“Những điều các cô ấy kêu tôi thấy hoàn toàn đúng. Nó vất vả như những gì mà các cô ấy đang phải trải qua. Nó áp lực đúng như những gì các cô ấy đã chịu đựng. Tuy nhiên, với riêng cá nhân tôi, tôi thấy làm giáo viên mầm non không hề vất vả”, cô giáo Tuyết tâm sự.
Chị Tuyết cho biết, trước khi làm quản lý về chuyên môn, chị đã từng có thời gian gần 7 năm dạy các bé lớp (mẫu giáo) lớn. Ngày còn đứng lớp, chị nhận thấy những nội dung theo phiên chế chương trình của phòng giáo dục chỉ đạo hầu như không thay đổi trong nhiều năm. Việc dạy đi dạy lại một chương trình như vậy nó làm cho chính chị Tuyết cảm thấy nhàm chán. Vì thế chị thường lựa chọn một số đề tài nhỏ, nó không lạ với trẻ nhưng trẻ lại rất quan tâm và thích thú như “Món ăn mẹ thích”, “Màu lá”, “Kiến ba khoang”… thay vì giữ nguyên nội dung cũ. Khi tổ chức thực hiện cũng thế, chị Tuyết thường làm theo cách của mình. Theo cách làm của chị Tuyết, giáo viên không phải chuẩn bị đồ dùng vất vả như trước, không nói nhiều như trước, không mất thời gian soạn bài như trước, không còn nản khi thấy trẻ ngồi không thèm nhìn cô như trước.
Trẻ rất thích tìm tòi khám phá, trẻ có nhu cầu hoạt động cao, trẻ lớn lên thông qua trải nghiệm mà tổ chức cho trẻ được trải nghiệm những gì gần gũi với đời sống thực chắc chắn mang lại hiệu quả giáo dục hơn cả mong đợi. Có một lần, trong khi cho trẻ hoạt động ngoài sân trường, chị Tuyết nhìn thấy hai học sinh đang loay hoay tìm gì đó ở bể cá. Sau khi quan sát, lắng nghe thì chị được biết hai bạn nhỏ đang quan tâm đến con loăng quăng rồi nói về muỗi. Một trong hai bé nói “bà tớ bảo, con loăng quăng nở ra từ trứng muỗi. Nơi nào mà có nước như bể cá này là nơi đó sinh muỗi”.
Nghe thấy học sinh nói với nhau như vậy, trong đầu chị Tuyết liền nảy ra ý nghĩ, lấy ngay vấn đề con muỗi để làm chủ đề học trong tuần. Với chủ đề “Làm thế nào cho lớp mình không có muỗi”, chị Tuyết đã mở ra một cơ hội cho các bạn nhỏ lớp chị được khám phá. Khi cô giáo trò chuyện đưa vào hoạt động, trẻ được thỏa sức chia sẻ những gì trẻ biết, phát hiện lớp có muỗi và biết đặt vấn đề là “làm thế nào để lớp mình không có muỗi?”, trẻ cứ thế bàn bạc, thảo luận tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra kế hoạch thực hiện… Điều mà các bạn nhỏ làm chị Tuyết ngạc nhiên là các con đã làm băng rôn, tập một số lời dẫn để tuyên truyền cho tất cả các lớp khác, các mẹ và cả người dân xung quanh trường. Cô giáo lúc này chỉ còn việc ngồi ngắm các bạn học sinh làm việc và hỗ trợ khi các bạn ấy đề nghị. “Giờ dạy của tôi là như thế, không vất vả, không nói nhiều mà trẻ lại rất hiệu quả”, chị Tuyết nói.
Cứ nhẹ lòng, mọi thứ sẽ thành đơn giản
Chị Tuyết cho biết, thực tế thì làm việc với trẻ không đơn giản vì mỗi lớp chỉ có hai cô mà có hàng chục cháu, trẻ ở trường cả ngày, không phải trẻ nào cũng giống nhau. Trẻ chơi, học, ăn ngủ là cả một vấn đề không chỉ với các mẹ mà cả với các cô giáo. Nhưng chị Tuyết cũng cho rằng: “Trẻ nhỏ là thế, dù con có quấy khóc, nghịch ngợm, nôn trớ, mè nheo đi nữa thì người lớn chúng ta nên dành tất cả yêu thương. Tôi nghĩ cứ chơi cùng trẻ đi, trò chuyện với trẻ đi, ngắm trẻ hàng ngày đi rồi bạn sẽ muốn làm gì đó cho chúng”.
Chính vì điều đó mà chị Tuyết thấy hạnh phúc khi tự mình mày mò lựa chọn cách dạy trẻ. Vì vậy, chị thường chọn nội dung giáo dục mà trẻ quan tâm, tổ chức cho trẻ hoạt động theo đúng nhu cầu. Có một nguyên tắc mà chị luôn dặn lòng mình là, không đánh giá trẻ, không áp đặt trẻ mà cho trẻ được thể hiện, được khoe, được nói lên cách làm và quá trình đưa lại kết quả. Chị Tuyết hay đùa với đồng nghiệp rằng: “Việc của chúng ta là ngắm là chơi rồi hướng dẫn chúng nó, việc còn lại là để trẻ lo”. Trẻ lứa tuổi nào cũng vậy, cô cứ cùng hiếu kì với trẻ thì trẻ sẽ quan tâm. Giáo viên cần hiểu trẻ thì sẽ có cách giáo dục phù hợp. Mọi thứ sẽ thành đơn giản!
Theo chị Tuyết, giáo viên mầm non thấy nghề mình vất vả là do chưa tìm ra phương pháp đúng trong việc tiếp cận với trẻ. Sau một thời gian đứng lớp, chị Tuyết chuyển sang làm quản lý về chuyên môn. Khi giữ vai trò quản lý, chị Tuyết rất muốn phổ biến cách làm này cho các giáo viên của trường. Thế nhưng ban đầu, khi chị đề xuất thực hiện phương pháp dạy học này cho Trường Sơn Ca, Định Công, nơi chị đang công tác, chị đã gặp khá nhiều trở ngại. Một số giáo viên phản đối kịch liệt. Có cô còn nói thẳng với chị rằng: “Em có biết làm xiếc đâu mà dạy”. Cô ấy không muốn tiếp nhận, ngay cả khi chị Tuyết chưa kịp mở lời. Nhiều giáo viên khi gặp trở ngại gì trên lớp, chị nói thì họ bảo rằng: “Chị ơi, một ngày em bao nhiêu việc thế này thế kia…”. Có người còn nhắn tin cho hiệu trưởng khuyên là nên hủy đi.
“Tôi biết các cô ngại đổi mới. Tâm lý chung của con người là thích cái gì đó đơn giản, tư duy theo lối mòn, quen dạy theo kiểu truyền thống. Mặc dù bị phản đối nhưng tôi đã đấu tranh đến cùng. Tôi cũng là người trong nghề nhưng chưa bao giờ cảm thấy công việc của mình là mệt cả. Bởi tôi nghĩ quan trọng ở kỹ năng tổ chức giáo dục của giáo viên thôi. Khi có phương pháp giáo dục đúng thì đi dạy sẽ có niềm vui, sẽ không thấy mệt nhọc hay áp lực nữa. Nghề chỉ áp lực khi giáo viên chưa tìm ra được phương pháp đúng để tiếp cận với học sinh”, chị Tuyết chia sẻ.
Đăng nhận xét