Giáo viên đang được “cởi trói”

Trong muôn vàn áp lực của giáo viên mầm non hiện nay thì chương trình dạy hiện hành đang góp thêm một “gánh nặng” không nhỏ cho sự quá tải của họ. Xuất phát từ thực tế này, mới đây Sở GD& ĐT Hà Nội đã tìm cách giảm tải cho giáo viên bằng việc hướng dẫn tập huấn trên toàn thành phố thực hiện kế hoạch năm học mới 2016 -2017 với nhiều nội dung “cởi trói” cho giáo viên cũng như cho chính các trường học.

Chương trình giáo dục mầm non của Sở GD&ĐT được “cởi trói” cho phép một số trường được phát huy bản sắc riêng của mình. Ảnh: Chí Cường
Chương trình giáo dục mầm non của Sở GD&ĐT được “cởi trói” cho phép một số trường được phát huy bản sắc riêng của mình
Chương trình cũ “nặng” ở mọi khâu
Theo một chuyên viên của Sở GD&ĐT (Hà Nội), sau 5 năm triển khai chương trình giáo dục mầm non của Bộ, năm nay Sở đã mạnh dạn hướng dẫn cho toàn thành phố triển khai kế hoạch năm học mới, trong đó có nội dung ưu tiên cho thực tiễn cho các trường.
Nói về những áp lực của chương trình dạy học trước đây, Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục (xin được giấu tên) tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trước đây chương trình dạy rất nặng từ khâu soạn giáo án, làm đồ dùng, đồ chơi, sổ sách cho đến việc đánh giá trẻ. Nhưng theo nội dung mà các cô đang được Sở tập huấn thì sắp tới đây và có thể ngay trong năm học mới này sẽ được đưa vào thực hiện.
Về chương trình dạy trước đây, các cô giáo phải soạn giáo án đúng như chương trình đề ra. Ví dụ, khi soạn giáo án về chủ đề “Chú bộ đội” chẳng hạn, thì mọi hoạt động của lớp, cô giáo phải xoay quanh chủ đề đó. Dạy thể dục thì cũng phải làm sao để lồng chủ đề “chú bộ đội” vào. Dạy âm nhạc cũng phải là bài hát về chú bộ đội. Ngay cả tiết dạy toán cũng phải cố mà nghĩ ra dạy thế nào để đúng với chủ đề đó. Có những nội dung không thể lồng vào được nhưng theo chương trình cũ, khi soạn giáo án, bắt buộc các cô phải tự nghĩ ra, phải cố “nặn” ra theo đúng chủ đề.
Còn về việc dạy thì sao? Trước đây, khi đã soạn giáo án rồi thì không bao giờ được thay đổi, là bắt buộc phải dạy theo giáo án đó, phải đúng, chính xác từ giờ giấc cho đến mọi thứ khác. Ví dụ, trong giáo án ghi là 9 giờ dạy môn “Hoạt động vui chơi ngoài trời” thì đúng giờ đó, tất cả cô trò đều phải ra ngoài. Nếu hôm đó, vào giờ đó trời mưa chẳng hạn thì cô trò vẫn phải ra ngoài trời. Không ra, không dạy đúng giáo án là các cô vi phạm quy định. Hay đúng giờ đó, lớp phải vào tiết dạy vẽ. Nhưng vì nhỡ có bé nào đó đau bụng phải đi ngoài, phải vệ sinh, phải lau rửa mặc quần áo… nên cô vào tiết học bị muộn so với khung giờ trong giáo án. Lệch giờ, bất kể vì lý do gì, nếu Phòng, hay Sở về kiểm tra đúng hôm đó thì nhà trường và cô giáo vi phạm quy định…Cũng tương tự như vậy, nếu trong giáo án, hôm nay dạy bài thơ về con cá. Nhưng có một bạn học sinh mang một đồ chơi là con chim biết hót đến lớp, cả lớp đang đầy hứng thú với chú chim. Vì muốn bài học rôm rả, cô giáo mà chuyển bài học về con cá sang con chim là sẽ bị “ăn đòn”. Hứng cũng cất đi, không được phép dạy. Ngay cả những vấn đề gây hứng thú cho giáo viên như thiên tai, dịch bệnh… nếu không đúng trong giáo án là cô không được phép dạy. Cô chỉ được phép dạy lúc… ngoài giờ.
Một năm, các cô giáo mầm non phải soạn từ 8 – 12 chủ đề. Giáo viên từ tiểu học trở lên được phép soạn giáo án dùng cho 5 – 10 năm thì giáo viên mầm non không được phép làm như thế. Năm nào các cô cũng phải soạn giáo án mới, mục đích là để các cô sáng tạo và gây hứng thú cho trẻ. Ví dụ, cùng một chủ đề con gà nhưng năm nay soạn thế này nhưng năm sau là phải soạn mới hoàn toàn, mặc dù năm sau đứa trẻ đó đã bước sang tuổi khác và học ở lớp khác với chủ đề khác chứ không học chủ đề con gà nữa. “Tuy nhiên, những áp lực trên bắt đầu từ năm nay đã là chuyện của quá khứ. Theo nội dung chương trình tập huấn thì bắt đầu từ năm nay giáo viên mầm non ở Hà Nội không còn bị “trói” bởi những quy định này nữa”, vị Hiệu trưởng này chia sẻ.
Giáo viên sẽ nhàn hơn?
Cô Nguyễn Thị Tuyết, Trường mầm non Sơn Ca Định Công (Hà Nội) cho biết, một trong những nội dung cơ bản mà các giáo viên toàn thành phố đang được Sở GD&ĐT tập huấn (bắt đầu từ giữa tháng 8 đến nay) là được chủ động trong việc soạn giáo án và làm đồ dùng học tập chứ không theo chủ đề bắt buộc như trước đây.
Theo đó, các cô giáo thay vì phải soạn đi soạn lại giáo án theo từng năm thì bây giờ các cô được chủ động hơn. Ví dụ, tháng này có sự kiện gì thì soạn cái đó. Giáo viên có thể được phép soạn một bộ và có thể lưu lại làm tư liệu cho các năm sau, chỉ cần chỉnh sửa cho phù hợp là được. Riêng khoản này đã giúp cho các cô nhàn đi rất nhiều. Chính vì thế mà hiện nay, các trường mầm non tại các quận, huyện tại Hà Nội, đặc biệt là hệ thống tư thục, giáo viên cũng như người làm quản lý ở các trường đều phấn khởi đón nhận. Nó được xem như một luồng gió mới cho giáo dục mầm non của thành phố Hà Nội năm nay.
Đánh giá về nội dung tập huấn này, bà Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường mầm non Vương quốc trẻ thơ (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói: Chương trình tập huấn của Sở rất hay vì không chỉ giảm tải cho giáo viên mà còn đưa vào đặc thù riêng của các trường, cho phép một số trường được phát huy bản sắc riêng của mình. Trường nào có thế mạnh cái gì thì cứ việc mà phát huy chứ không phải dạy theo quy định chung như trước. Theo nội dung đã được Sở tập huấn thì chương trình giảm tải và đổi mới rất nhiều, giảm tải cho cả giáo viên và cho cả người quản lý.
“Việc soạn giáo án, làm đồ dùng, đồ chơi của giáo viên cũng như chương trình dạy linh hoạt với thực tế hơn, phát huy được cái ưu điểm của từng trường, từng cá nhân của người giáo viên. Theo đó các phương pháp giáo dục mới sẽ được các giáo viên cũng như các trường chủ động vận dụng linh hoạt cho hoạt động giáo dục của mình. Việc “cởi trói” trong nội dung hướng dẫn thực hiện kế hoạch năm học mới của Sở GD & ĐT Hà Nội có thể sẽ là tiền đề cho sự khởi sắc trong vấn đề giáo dục cấp học mầm non trong thời gian tới”.

Share this:

Đăng nhận xét

 
Copyright © Trung Cấp Tây Nam Á.
Chat
1