Giáo viên mầm non lúc nào cũng thừa mà lúc nào cũng thiếu
Có người nói ngành sư phạm mầm non hiện đang là ngành dễ xin việc trong bối cảnh xã hội đang quan tâm nhiều hơn tới giáo dục mầm non, giáo viên mầm non. Có người lại than phiền “có quá nhiều cử nhân sư phạm đang thất nghiệp, nói gì tới các giáo sinh tốt nghiệp trung cấp mầm non, cao đẳng mầm non. Làm gì có cơ hội”. Tôi lại cho rằng ngành sư phạm mầm non lúc nào cũng thừa mà lúc nào cũng thiếu nhân lực.
Thừa ở đây là thừa về số lượng. Với yêu cầu không cao về bằng cấp, gần như ai cũng có thể làm giáo viên mầm non (tất nhiên là ngoại trừ phần lớn đấng mày râu). Tuy nhiên song song với nó ngành này luôn thiếu giáo viên chất lượng, giáo viên thực sự có thể gắn bó nhiều năm với nghề.
Do đặc thù của ngành giáo dục mầm non, chất lượng giáo viên ở đây không thể chỉ đánh giá qua bằng cấp mà còn qua những yếu tố tính cách, nhân cách con người. Những thứ quan trọng hơn bằng cấp.
Nếu trong quá trình học tập tại trường sư phạm, bạn tự trang bị cho mình những yếu tố sau đây thì chắc chắn bạn sẽ có một công việc như ý muốn. Còn nếu đã cầm trong tay một tấm bằng ngành sư phạm mầm non mà bạn không có những PHẨM CHẤT này thì xin chia buồn, bạn còn cách xa THÀNH CÔNG một quãng đường khá dài.
Những thứ quan trọng hơn bằng cấp nếu muốn trở thành giáo viên mầm non
Yêu trẻ, tâm huyết với nghề và có phẩm chất đạo đức tốt.
Yêu trẻ là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để thành công trong ngành này. Khi bạn thực sự quý mến một ai, mọi hành động, cử chỉ, lời nói của bạn sẽ đều trở nên đẹp đẽ với người đó. Điều này được điều khiển bởi bộ não của bạn và không thể giả dối với cảm xúc này.
Bên cạnh đó bạn còn phải yêu nghề giáo. Cảm thấy có niềm tự hào với nghề nghiệp giáo viên sư phạm mầm non. Công việc của bạn là giúp những đứa trẻ có bước đầu tiên hoàn hảo trên hành trình cuộc sống. Tính cách của chúng trong tương lai có một phần ảnh hưởng từ chính bạn. Từ đó tâm huyết với nghề ngày càng lớn hơn
Có tình yêu trẻ và tâm huyết với nghề, tự nhiên bạn sẽ hình thành phẩm chất đạo đức tốt của một nhà giáo. Bởi mọi suy nghĩ, hành động của bạn đều hướng về những đứa trẻ, sẽ tránh khỏi những ý nghĩ tiêu cực, những sai lầm trong nghề nghiệp.
Kỹ năng sư phạm mầm non (kỹ năng mềm)
Sự khéo léo, linh hoạt
Năng động, tháo vát, khéo tay, cẩn thận, là những yêu cầu cơ bản đối với giáo viên mầm non. Trong môi trường làm việc gần gũi với trẻ nhỏ, những đức tính này sẽ giúp bạn dễ dàng hoàn thành công việc.
Những trò chơi sáng tạo, những món đồ dùng học tập tận dụng từ vật liệu cũ, những tấm thiệp nhiều màu sắc… tất cả đều được tạo ra dưới bàn tay khéo léo của bạn. Vì vậy hãy phát huy sự cẩn thận, khéo léo của mình trong công việc.
Trong công việc hàng ngày cũng cần phải luôn luôn luôn linh hoạt. Dễ dàng thích nghi và thay đổi để đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng thời Có khả năng phân tích và xử lý tình huống. Có rất nhiều mẹo xử lý tình huống từ những người đi trước, bạn có thể hỏi han, tìm kiếm trên internet để nâng cao tính linh hoạt của bản thân mình.
Cách ăn nói và tác phong
Cách ăn nói và tác phong là những thứ đầu tiên bạn ghi điểm với nhà trường khi ứng tuyển. Và những thứ này cũng rất quan trọng trên cương vị là một giáo viên mầm non.
Những đứa trẻ hàng ngày tiếp xúc sẽ nhìn vào hình ảnh của bạn để học theo cách ăn nói, tác phong. Vì vậy hãy thường xuyên rèn luyện bản thân để có cách ăn nói, tác phong chuyên nghiệp. Nói chuyện với trẻ bằng ngôn ngữ của chúng và giúp cho chúng chúng hiểu được những thứ bạn truyền đạt.
Lưu ý nhỏ là bạn nên nói giọng chuẩn, hạn chế nói ngọng, nói tiếng địa phương. Kiểu nói chuyện theo giọng chuẩn bạn có thể rèn luyện được chỉ cần kiên trì. Nó không những giúp ích bạn trong công việc mà còn trong cả đời sống hàng ngày.
Về ngoại hình, hãy trung thành với hình ảnh một người giáo viên truyền thống, đầu tóc gọn gàng, trang điểm nhẹ nhàng. Tác phong đó không những mang lại cảm giác dễ gần cho người đối diện mà chính bạn sẽ cảm thấy thoải mái trong công việc hàng ngày. Hãy để dành những món đồ phá cách cho những ngày nghỉ cuối tuần.
Khả năng tự học hỏi không ngừng
Sự khác nhau giữa một người tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non và cao đẳng sư phạm mầm non là gì?
Là người tốt nghiệp Cao đẳng có khả năng về việc HỌC TẬP và THI CỬ tốt hơn mà thôi. Trên thực tế, một người tốt nghiệp Trung cấp có thể LÀM VIỆC hiệu quả hơn người đã tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học rất nhiều.
Nguyên nhân là do kỹ năng tự học hỏi của mỗi cá nhân trong công việc vô cùng quan trọng. Thực tế công việc khác rất nhiều so với lý thuyết, thường xuyên quan sát, học hỏi những kiến thức thực tế sẽ giúp bạn không ngừng nâng cao năng lực.
Có tinh thần học hỏi, có tư duy đổi mới phương pháp dạy và học là những bí quyết tạo nên những bước tiến trong công việc. Và mọi người sẽ đánh giá cao bạn
Lời Kết
Bằng cấp chỉ là bước chạy đà trong một cuộc đua đường dài, quan trọng là người trong cuộc có bền bỉ trên con đường mình đã chọn hay không. Với ngành sư phạm mầm non, ngoài bằng cấp thì những phẩm chất cá nhân đã nêu ở trên là những yếu tố cực kỳ quan trọng để quyết định thành công hay thất bại trong nghề nghiệp này.
Với những ai vẫn chưa đạt được những thành tựu như ý trong ngành sư phạm mầm non, hãy kiên trì, thành công vẫn đang chờ bạn ở phía trước !
Đăng nhận xét