3 hệ đào tạo sư phạm mầm non
Riêng trên địa bàn TP.HCM, hiện có ba trường: Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Sài Gòn và Cao đẳng Sư phạm T.Ư TP.HCM có đào tạo GVMN. Có ba hệ đào tạo (dành cho những học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT, không khuyết tật, không bị dị dạng): hệ trung cấp: thi đầu vào môn văn và năng khiếu (hát, múa minh họa, đọc, kể chuyện diễn cảm) học trong 2 năm, tốt nghiệp sẽ nhận bằng trung cấp mầm non; hệ cao đẳng: thi môn văn, toán, năng khiếu, học trong 3 năm, nhận bằng cao đẳng sư phạm mầm non; hệ đại học: thi môn văn, toán, năng khiếu, học trong 4 năm, nhận bằng đại học sư phạm ngành giáo dục mầm non.
Trong trường sư phạm, giáo sinh sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng chăm sóc nuôi dạy trẻ như: tâm lý lứa tuổi mầm non, vệ sinh, dinh dưỡng, kỹ năng làm đồ chơi, kỹ năng tạo hình, kỹ năng làm quen với trẻ… Trong đó giáo sinh sẽ được rèn kỹ năng nghề thông qua các buổi thực hành ngay trong trường sư phạm và các buổi kiến tập, thực tập trong trường mầm non.
“Ít nhất là trong năm năm tới, tôi bảo đảm những giáo sinh tốt nghiệp sư phạm mầm non nếu có tâm và đủ tay nghề sẽ có việc làm ngay” – ông Phạm Ngọc Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, ba năm gần đây năm nào TP cũng thiếu giáo viên mầm non (GVMN) do số học sinh trong độ tuổi tăng cao, nhiều trường mầm non tư thục được thành lập. Trong năm học 2010-2011, Sở GD-ĐT TP đã phải tuyển GVMN đến ba đợt và tuyển cả giáo viên chỉ có KT3 để giảng dạy tại các trường mầm non công lập. Còn các trường tư thục đã phải tuyển 2.398 bảo mẫu để làm việc thay thế GVMN.
Chỉ cần yêu trẻ
Theo ThS Nguyễn Thị Kim Thanh – trưởng Phòng giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM: “Tố chất cần thiết của GVMN là yêu trẻ, thích làm việc với trẻ. Ngoài ra, GVMN cần thêm một chút kiên nhẫn, một chút tỉ mỉ, nhưng quan trọng nhất vẫn là yêu trẻ vì nếu yêu trẻ bạn sẽ có nhiều sáng tạo trong quá trình chăm sóc – nuôi dạy trẻ”.
Đồng tình với ý kiến trên, cô giáo Đoàn Thị Tự Do – giáo viên giỏi ở Trường mầm non 7A, Q.Bình Thạnh – kể: “Hồi còn trẻ, đi ngang qua trường mầm non thấy các cháu vui chơi, múa hát cùng cô giáo tôi rất thích nhưng cứ băn khoăn chắc phải khó khăn lắm mới được trở thành cô giáo mầm non”.
Sau này, khi đã trải qua lớp học sơ cấp về nuôi dạy trẻ trong 45 ngày, cô Do được phân công về làm việc trong trường mầm non ngay. Càng dạy càng mê nên cô đã phấn đấu học tiếp hệ trung cấp, cao đẳng và bây giờ là đại học.
“Nhiều người không hiểu rõ cứ nói nghề này dễ bị stress, mấy chục cháu khóc la ầm ĩ suốt ngày thì làm sao chịu được. Nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy nếu mình thật sự thương trẻ, gần gũi với trẻ là mọi việc êm xuôi. Đừng tưởng con nít không biết gì, khi nhìn vào mắt mình các bé sẽ biết ngay mình có thương bé không” – cô Do đúc kết.
Nghề không phụ người
Niềm hạnh phúc của nghề GVMN là gì? Tất cả GVMN khi nghe câu hỏi trên đều trả lời giống nhau: “Cuộc sống đầy rẫy những chuyện bực mình và rất dễ khiến mình bị stress. Thế nhưng, khi đã bước chân vào cổng trường mầm non, mọi chuyện khó chịu ấy sẽ tan biến ngay bởi chúng tôi được tiếp xúc với những nụ cười, những ánh mắt thơ ngây và trong sáng đến lạ lùng”.
Không những thế, nhiều giáo viên còn bộc bạch: trong cuộc sống, môi trường mầm non có lẽ là môi trường trong sáng nhất, cô giáo yêu thương học sinh và được học sinh yêu thương lại một cách không vụ lợi. Có em đã lên lớp nhưng ngày ngày vẫn đòi ba mẹ dẫn đến chào cô giáo cũ rồi mới vào lớp của mình. Có phụ huynh mặc dù con mình đã vào đại học nhưng hằng năm ngày 20-11 vẫn dẫn con đến thăm cô giáo mầm non để bày tỏ lòng biết ơn.
Học trung cấp mầm non, Cao đẳng Mầm non, Đại học Mầm non – không lo thất nghiệp
Theo ông Phạm Ngọc Thanh: “Từ nay đến năm 2015 TP.HCM cần thêm khoảng 4.067 GVMN, phải nói rằng nhu cầu về GVMN đang trở nên bức thiết đối với sự phát triển của TP, nhất là trong giai đoạn TP đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tôi bảo đảm những giáo sinh tốt nghiệp trường sư phạm mầm non nếu có tâm và đủ tay nghề sẽ có việc làm ngay trong vòng năm năm tới”.
ThS Nguyễn Thị Kim Thanh cũng cho biết thêm: “Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về GVMN ngày càng cao. Một số phụ huynh có điều kiện không thích gửi con ở trường công lập với sĩ số học sinh quá đông mà chấp nhận gửi con ở trường tư thục chất lượng cao, mỗi lớp chỉ có 6-8 học sinh. Thậm chí có gia đình còn mời luôn một giáo viên về nhà mình chăm sóc với mức phí rất cao. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới.
Bây giờ khi tốt nghiệp ra trường, GVMN có nhiều con đường để lựa chọn: nộp hồ sơ để được phân công nhiệm sở tại trường công lập hay đăng ký làm việc ở trường tư thục, làm giáo viên tự do giảng dạy tại nhà học sinh, hoặc nếu đủ điều kiện về tài chính thì có thể tự mở trường tư thục. Nhiều năm qua, TP.HCM đã có nhiều GVMN mở trường tư thục và rất thành công”.
Đăng nhận xét