Giáo dục mầm non từ lâu đã được công nhận vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển giáo dục nói chung. Tại Nam Định, thời gian qua, ngành giáo dục đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung; góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bậc học.
Giờ vui chơi của các cháu Trường Mầm non Hải Châu (Hải Hậu). Ảnh: T.L
Đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đến lớp
Từ tháng 6/2014, tỉnh Nam Định là một trong 18 tỉnh trên toàn quốc được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với 100% số phường, xã đạt chuẩn phổ cập. Trong năm học 2015 – 2016, Nam Định đã huy động được hơn 35.000 trẻ ra nhà trẻ, đạt 45,6% số trẻ trong độ tuổi, tăng 1.091 trẻ và tăng 0,1% so với năm học trước, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với gần 28.500 trẻ 5 tuổi đến trường trong diện phổ cập, đạt 100% độ tuổi.
Đi đầu trong công tác giáo dục và chăm sóc cho trẻ mầm non phải kể đến các trường trên địa bàn TP Nam Định. Theo ông Lê Xuân Tiến, Trưởng phòng GD&ĐT TP Nam Định, đây là một trong số ít các địa phương trên toàn tỉnh đạt tỉ lệ 100% trẻ được nuôi ăn bán trú với chất lượng bữa ăn được kiểm tra chặt chẽ, góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đến lớp cũng như tạo nên tâm lý yên tâm cho phụ huynh khi gửi con tại các nhà trường.
So với đầu năm học 2015 - 2016, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đến cuối năm đã giảm 2,1% và giảm 0,4% so với cùng kì năm học trước; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 2,3% so với đầu năm học và giảm 0,1% so với cùng kì… Hiện nay, 35/35 trường mầm non trên địa bàn thành phố đã được UBND TP Nam Định cấp Chứng nhận Trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ; 100% trường đã kết nối mạng Internet, trên 90% cán bộ quản lý và giáo viên có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý và giảng dạy.
Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm
Trong vấn đề vệ sinh và quản lý bếp ăn, các trường mầm non tại xã, phường, thị trấn đều thực hiện tốt việc lưu mẫu thức ăn, mua thực phẩm sạch có nguồn gốc theo cam kết. Một số trường tại các huyện như: Hải Hậu, Xuân Trường… còn tổ chức tăng gia trồng rau tại trường, vừa để tạo nguồn thực phẩm sạch tại chỗ, vừa tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội tìm hiểu về thế giới tự nhiên trong các giờ chơi và học ngoại khóa. Trẻ được các giáo viên hướng dẫn cách phân biệt các loại cây, rau quen thuộc trong đời sống hàng ngày, được quan sát quá trình sinh trưởng và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau của cây…
Không chỉ chăm sóc, giáo dục trẻ, đội ngũ giáo viên mầm non còn dành nhiều thời gian, công sức để làm đồ dùng dạy học và đồ chơi, vận dụng và tích hợp những trò chơi dân gian vào bài học ngoại khóa để hướng dẫn trẻ, sưu tầm nhiều bài ca dao, dân ca, đồng dao… được học sinh yêu thích để đưa vào các chương trình văn nghệ trong nhà trường. Bà Vũ Thị Thu Thủy, Hiệu phó Trường Mầm non 8 – 3 chia sẻ: Cách làm này không những thu hút được sự hứng thú của trẻ đối với các bài học mà còn đồng thời kích thích khả năng sáng tạo, học hỏi trong độ tuổi đang yêu thích tìm hiểu của các em, góp phần tạo nền tảng vững chắc về kiến thức cũng như kĩ năng sống cơ bản cho trẻ trước khi bước chân vào bậc tiểu học. Ngoài ra, một số trường cũng liên tục cập nhật và đổi mới các phần mềm vui học như Kidsmart, Happy Kid… trong giáo dục trẻ để đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
Hàng năm, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Nam Định đều được tạo nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cũng như đồ chơi cho học sinh; nhiều phòng học, phòng chức năng được xây mới và sửa chữa. Từ đó hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học đã được bổ sung tương đối đầy đủ, nhiều trường có các phòng, nhóm lớp đẹp, được trang trí sinh động, hấp dẫn giúp trẻ được sinh hoạt trong môi trường gần gũi, thân thiện và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Đến nay, đã có 148/266 trường mầm non tại Nam Định được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I, 8 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II và có 39 trường được công nhận đạt chuẩn xanh – sạch – đẹp – an toàn. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cũng được bồi dưỡng và bổ sung hàng năm, đảm bảo có đầy đủ số giáo viên đứng lớp giảng dạy và chăm sóc cho trẻ trong các nhà trường. Năm học vừa qua, Nam Định đã tuyển bổ sung 505 giáo viên mầm non, nâng tổng số cán bộ quản lý và giáo viên của bậc học này lên trên 8.500 người.
Trong thời gian tới, ngoài việc duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Nam Định đặt mục tiêu phấn đấu trong năm học tiếp theo sẽ tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường từ 0,5 – 1,0% và có thêm 18 – 20 trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Bà Trần Thị Diệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho biết, để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở bậc học này, Nam Định sẽ tiếp tục cho triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” với ưu tiên đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường về thân thể, tinh thần, vệ sinh thực phẩm và dịch bệnh. Ngoài ra, các trường chú trọng đánh giá sự phát triển của trẻ theo định kì với diễn biến tâm sinh lý cụ thể, nhằm phát hiện sớm những biểu hiện tích cực hoặc tiêu cực để kịp thời điều chỉnh kế hoạch chăm sóc giáo dục.
“Các trường mầm non được chỉ đạo xây dựng các chuyên đề riêng phù hợp với thực tế, điều kiện của mỗi cơ sở để tập trung phát triển vận động, tổ chức vui chơi, trải nghiệm, xây dựng môi trường giao tiếp cho trẻ, nghiên cứu triển khai các cuộc thi sáng tạo đồ dùng, đồ chơi phát triển trí tuệ cho trẻ mầm non…”.
Bà Trần Thị Diệp
Đăng nhận xét