Công việc quá vất vả, thời gian làm việc kéo dài khiến một số giáo viên mầm non có những hành động bộc phát với trẻ, không đúng lương tâm làm nghề.
Những giáo viên này đều phải chịu các hình thức kỷ luật, thậm chí mất nghề, nhưng mọi việc sẽ không thể được giải quyết nếu chỉ dừng lại ở câu chuyện kỷ luật, hình phạt. Làm sao giảm áp lực cho giáo viên mầm non là vấn đề được đặt ra, dù khó, nhưng không phải là không thể thực hiện được.
Nhiều áp lực với giáo viên mầm non
Là Phó phòng phụ trách giáo dục mầm non của Sở GD&ĐT Phú Yên, cô Trần Ngọc Phương Thảo chia sẻ những trăn trở mình thu nhận được từ các cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trên địa bàn, cũng như qua thực tế công việc.
Điều đầu tiên cũng là vấn đề khó không phải chỉ của Phú Yên, đó là biên chế giáo viên mầm non chưa đủ đáp ứng theo yêu cầu của Thông tư 06 liên tịch giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Giảm áp lực cho giáo viên mầm non: Khó, nhưng có thể làm. |
Những nơi không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định, đối với nhóm trẻ cần một giáo viên nuôi dạy 6 trẻ 3-12 tháng tuổi hoặc 8 trẻ 13-24 tháng tuổi hoặc 10 trẻ 25-36 tháng tuổi.
Đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi ngày, cần bố trí một giáo viên nuôi dạy 11 trẻ từ 3-4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4-5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5-6 tuổi. Với lớp mẫu giáo học một buổi/ngày, bố trí một giáo viên nuôi dạy 21 trẻ 3-4 tuổi hoặc 25 trẻ 4-5 tuổi hoặc 29 trẻ 5-6 tuổi…
Tuy nhiên, tại một số địa phương, hầu hết chỉ có một giáo viên/lớp. Một mình cô giáo xoay xở với quá nhiều công việc và thời gian kéo dài, dẫn đến mệt mỏi, bức xúc và chăm sóc trẻ không chu đáo.
Đặc biệt, khác các cấp học khác, giáo viên mầm non không chỉ có nhiệm vụ dạy mà cả chăm sóc, nuôi dưỡng; với lớp nhỏ, từ ăn ngủ, vệ sinh… đều đến tay cô.
“Thực tế có giáo viên mầm non đã bỏ nghề vì quá áp lực”, cô Trần Ngọc Phương Thảo chia sẻ.
Những sự việc đáng tiếc xảy ra ở trường mầm non còn có nguyên nhân từ cán bộ quản lý nhà trường thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ ở các lớp để kịp thời nhận biết khó khăn, bức xúc của giáo viên, từ đó phát hiện trước nguy cơ, ngăn chặn được tình huống xấu.
Đó là chưa kể có những cán bộ quản lý thiếu sự cảm thông, chia sẻ, chỉ áp đặt chỉ tiêu mà không hỗ trợ, động viên, giúp đỡ giáo viên kịp thời.
Bên cạnh vấn đề thiếu chặt chẽ trong khâu đào tạo, tuyển dụng, có giáo viên chọn nghề vì cần việc làm, nhưng khi làm lại không chịu nổi áp lực nên có những phản ứng tiêu cực, cô Trần Ngọc Phương Thảo cũng đề cập đến yếu tố phụ huynh.
“Hiện các bậc cha mẹ yêu thương, nuông chiều con quá mức, nên nhiều cháu cá tính mạnh, giáo viên rất khó uốn nắn. Tuy nhiên, có phụ huynh không hiểu, phản hồi tiêu cực, cũng tạo thêm áp lực cho giáo viên”, cô Trần Ngọc Phương Thảo cho hay.
Giải pháp giảm áp lực cho giáo viên mầm non
Hơn 20 năm trong nghề, cô Chu Thị Kim - giáo viên trường mầm non 19/5, Hưng Yên - thấm thía mọi vất vả cũng như hạnh phúc khi làm nghề.
Đó là thời gian làm việc miệt mài từ 7h sáng đến 5h chiều mỗi ngày. Buổi trưa nếu mệt quá, chợp mắt cũng chập chờn vì lo học sinh co chăn bị lạnh, nằm sấp, ho sốt… Chưa kể hôm thì phụ huynh học sinh gửi thuốc, gửi sữa bột, cô phải nhớ pha thuốc, sữa cho con uống đúng giờ…
“Tôi từng dạy một cháu thông minh nhưng rất nghịch. Có tuần, vì con đánh bạn nhiều, quá nghịch và không nghe lời cô nên cuối tuần không được phiếu bé ngoan.
Cô giải thích và con đã hiểu để cố gắng. Nhưng sau đó, ông của cháu gặp cô và phản ứng, thậm chí nói nếu cô không sửa sẽ báo ban giám hiệu… Một chuyện nhỏ như vậy, nhưng cũng có thể khiến giáo viên áp lực và mệt mỏi”, cô Kim tâm sự.
Chia sẻ công việc vất vả, nhưng cô giáo mầm non ở Hưng Yên cho biết không cảm thấy áp lực, bởi mình thực sự yêu nghề, muốn gắn bó với nghề.
“Tôi có lợi thế vì con đã lớn; chồng mất sớm, một mình nuôi con nên được anh chị em giúp đỡ nhiều, do đó có nhiều thời gian cho công việc. Nhà neo người, bởi vậy mỗi khi đến trường, gặp các con, tôi thấy vui, có làm nhiều cũng không thấy vất vả.
Cũng vì yêu nghề, chịu khó học hỏi nên việc soạn giảng với tôi rất đơn giản. Hoạt động dạy học trên lớp có thể làm tốt vì bản thân có chút năng khiếu về mầm non, có thể hát, múa, kể chuyện, đọc thơ…
Bởi vậy, để giảm áp lực, trước khi chờ đợi các chính sách từ trên, hãy bắt đầu từ bản thân mỗi giáo viên mầm non. Đó là khi chọn nghề, ngoài đúng năng lực, sở trường, không thể thiếu tình yêu và muốn gắn bó với công việc”, cô Chu Thị Kim bày tỏ.
Từ góc độ người quản lý, giải pháp được cô Trần Ngọc Phương Thảo chia sẻ, trước hết các địa phương cần thực hiện hiệu quả Thông tư 06; nếu không có thể hợp đồng giáo viên mầm non, có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non; tăng cường công tác quản lý của ban giám hiệu nhà trường với các lớp; có sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ khâu đào tạo, tuyển dụng giáo viên mầm non.
Một giải pháp quan trọng là cơ quan quản lý cần giao chỉ tiêu cho các trường phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và biên chế giáo viên; đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện.
“Nhiều khi trên giao chỉ tiêu đúng, nhưng nhà trường lại tuyển vượt chỉ tiêu cũng tạo thêm gánh nặng cho giáo viên”, cô Trần Ngọc Phương Thảo cho biết.
Đăng nhận xét