Không những phụ huynh mới có nỗi lo về vấn đề an toàn thực phẩm, mà đến các thầy cô cũng rất đau đầu khi chọn thức ăn cho trẻ. Bởi các cô sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên khi có chuyện xảy ra.
Phụ huynh sợ hãi, thầy cô đau đầu
Hiện nay, trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) có 27 trường mầm non ngoài công lập và hơn 60 nhóm trẻ độc lập. Sự phát triển những trường mầm non chất lượng cao đã giảm thiểu sự quá tải các trường công lập và tăng thêm nhiều sự lựa chọn cho các bậc phụ huynh.
Điều mọi người lo ngại nhất vẫn là bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Một bữa ăn hàng ngày của trẻ tại trường Mầm non Sunrise |
“Hiện nay, trường con tôi đã lắp đặt hoàn toàn camera, nên việc theo dõi các cô dạy dỗ như thế nào không phải là chuyện khó khăn nữa. Việc không gian vui chơi, mô hình học tập, chương trình học của con thì chúng tôi đã tới tham quan một lần nên cũng yên tâm. Duy chỉ có việc ăn uống, vì thức ăn mua hàng ngày có đảm bảo vệ sinh hay không, mới là điều gia đình lo lắng nhất”, chị Nguyễn Thị Thủy, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh cho biết.
Không những các bậc phụ huynh mà các giáo viên yêu nghề, lâu năm trong ngành cũng “nóng ruột” bởi các thực phẩm bây giờ đều độc hại. Cô Phạm Thị Bảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sunrise (đường Hải Thượng Lãn Ông, khối Yên Sơn, phường Hà Huy Tập, TP Vinh) đã từng làm Hiệu trưởng ở một trường công, sau khi nghỉ hưu chuyển về làm Hiệu trưởng trường tư này cho biết, luôn trong trạng thái đau đầu việc nên chọn thức ăn gì, không nên dùng cái gì cho các cháu.
Giải pháp nào giải quyết vấn đề chọn thực phẩm an toàn?
Giải pháp hàng đầu để giải quyết các vấn đề này là các trường mầm non tự trồng chứ không lấy rau của ai khác hoặc của siêu thị nữa. “Trường xác định, vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố hàng đầu trong việc phát triển của trẻ. Vì thế, nhà trường đã dành ra một khoảng khuôn viên để tự trồng rau xanh cho các trẻ sử dụng. Không những dành cho trẻ, mà các cô cũng sử dụng rau này để ăn hàng ngày”, cô Hoàng Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hưng Phúc (đường Cây xanh, phường Hưng Phúc, TP Vinh) cho biết.
Bếp ăn luôn đảm bảo vệ sinh và an toàn. |
Đối với một trường “nghèo” như Trường Mầm non Mây Ngọc (khối 14, phường Cửa Nam, TP Vinh) thì sử dụng thực phẩm ngay trong gia đình các giáo viên trong trường. Do nằm cách xa khu vực trung tâm thành phố, nhà các giáo viên đều có khoảng đất rộng nên đã tích cực làm rau xanh cho gia đình sử dụng, đồng thời cung cấp cho nhà trường, tránh việc phải mua ngoài mà lại đảm bảo an toàn.
“Đối với các thực phẩm thịt, cá, trứng thì chúng tôi dùng cách mua từ chính phụ huynh. Các phụ huynh nào bán mặt hàng này thì nhà trường đặt luôn mặt hàng đó, vì an toàn cho chính con của họ thì họ sẽ chọn lựa thức ăn tươi ngon nhất để nhà trường sử dụng. Tất nhiên, hôm nào bé của phụ huynh ấy nghỉ thì chúng tôi sẽ chuyển sang dùng tạm của phụ huynh khác có con đang đi học để đảm bảo”, cô Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mây Ngọc cho biết.
“Còn các thực phẩm khác thì tất cả đều có hợp đồng mua bán rõ ràng và nếu thực phẩm có vấn đề thì các cơ sở phải chịu trách nhiệm. Nhân viên chế biến của trường đều được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, trường luôn giữ vệ sinh nơi ăn, uống và khu chế biến thực phẩm, sử dụng vật liệu bao thực phẩm sạch sẽ phù hợp với từng loại thực phẩm”, cô Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường mầm non Bến Thủy (khối 9, phường Bến Thủy, TP Vinh) khẳng định.
Đăng nhận xét