Ngôi trường nằm ngay trung tâm quận 1 của TP HCM, hoạt động ngày đầu tiên vào 30/4/1976 (đúng một năm sau ngày đất nước thống nhất).
Từ một nhà trẻ với vài chục học sinh, đến nay “30/4” đã trở thành một trường mầm non có uy tín của TP HCM về chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ với 545 học sinh.
Chúng tôi đến thăm Trường mầm non 30/4 vào đúng giờ ăn trưa: học sinh các lớp lần lượt đi rửa tay, lau mặt rồi lấy cơm. Thấy có khách lạ, các học sinh đồng thanh “chào cô” mà không cần đợi giáo viên nhắc nhở. Tại lớp lá, mỗi học sinh đi lấy khay rồi tự lấy cơm, canh, món mặn, món tráng miệng cho vào từng ngăn của khay...
Ăn theo nhu cầu
Trường mầm non 30/4, quận 1 đã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2012 và hiện đang xây dựng theo mô hình trường tiên tiến, hội nhập của TP. Trường cũng đã hoàn tất các công đoạn đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục và đang chờ Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.
Sau khi ăn, các học sinh cũng tự bê khay của mình ra xe đẩy, sau đó phân loại dụng cụ và để đúng nơi quy định: bỏ rác vào thùng rác, bỏ muỗng dơ vào ống muỗng, nĩa dơ vào ống đựng nĩa, khay xếp vào chỗ để khay. Theo các giáo viên Trường mầm non 30/4, học sinh lớp lá của trường đã làm quen với việc tự lấy thức ăn và ăn theo nhu cầu của mình ngay từ đầu năm học.
Cô Trần Thị Trang, phó hiệu trưởng, cho biết: “Việc cho học sinh ăn theo nhu cầu, trường chúng tôi đã thực hiện từ nhiều năm nay nhằm mang lại sự hứng thú cho các con khi ăn uống chứ không ép các con phải ăn hết suất ăn theo ý của người lớn.
Thỉnh thoảng nhà trường còn tổ chức cho học sinh lớp lá ăn theo bữa cơm gia đình: cơm và thức ăn được dọn ra trên bàn ăn, cứ sáu học sinh ngồi vào một bàn và gắp thức ăn cho vào chén để ăn như trong gia đình, với mục đích tập cho các con kỹ năng tự phục vụ, cách dùng đũa, muỗng, kỹ năng ăn uống tập thể...”.
Học sinh Trường mầm non 30/4 tự tin trả lời câu hỏi của MC tại buổi lễ kỷ niệm sinh nhật trường (tổ chức ngày 24/4/2015. |
Chẳng thế mà anh Nguyễn Thiên Phước, phụ huynh, kể: “Khi đi học mầm non, bé nhà mình vẫn chưa biết nhai, một phần do ở nhà ba mẹ hay đút thêm nước canh cho bé dễ nuốt. Vậy mà đến khi đi học, các cô rèn cho bé tập nhai, ăn được những thức ăn cứng và biết đòi ăn những món mình thích chứ ba mẹ không phải ép như trước.
Công lớn của cô giáo còn là việc rèn nề nếp ăn uống cho học sinh: bé nhà mình hồi trước khi đi học không bao giờ chịu ngồi một chỗ để ăn mà cứ chạy lòng vòng, người nhà cũng phải chạy theo bé để đút ăn.
Sau khi đi học một thời gian, việc ăn uống của bé cải thiện rõ rệt: ngồi vào bàn, tự xúc ăn, ăn xong mới đứng lên. Ngoài ra, các cô còn rèn cho bé tính tự lập như chọn quần áo để mặc đi học, tự thay quần áo, tự đi giày”.
Học theo khả năng
Theo cô Trần Thị Trang: “Nhà trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới với phương pháp lấy trẻ làm trung tâm trong mọi hoạt động. Giáo viên dạy cho trẻ tất cả kỹ năng cần thiết, nhưng khi dạy phải dựa vào khả năng của trẻ chứ không bắt ép trẻ phải làm như ý của cô giáo.
Một trong những lỗi mà cô giáo mầm non hay mắc phải là trong quá trình giảng dạy chỉ thích kêu những bé nhanh nhẹn, dạn dĩ phát biểu, còn những bé nhút nhát thì cứ ngồi im suốt tiết học”.
Cô Trang nhấn mạnh: “Ở trường 30/4, các cô giáo đã quen với yêu cầu tổ chức cho tất cả học sinh đều hoạt động và trẻ phải được học tập một cách hứng thú. Khi soạn giáo án cũng vậy, trước mỗi vấn đề cần gợi ý cho học sinh tìm hiểu bài, ít nhất các cô phải có ba câu hỏi dành cho học sinh thuộc ba trình độ: trẻ nhạy bén, trẻ chỉ ở mức khá và trẻ thụ động”.
Chị Hằng - phụ huynh ở khu phố 1, P.Bến Nghé, Q.1, có hai con học ở Trường 30/4 nhận xét: “Từ ngày đi học mầm non, bé nhà mình hoạt bát hơn hẳn. Trước đây, khi ra khỏi nhà mà kêu chào ai là lí nhí, có khi còn ngại không chào.
Sau khi đi học được vài tháng là cải thiện hẳn, bố mẹ không cần nhắc, khi gặp người lớn bé biết khoanh tay chào và chào rất to, rõ ràng. Đã vậy còn biết làm rất nhiều việc phụ mẹ ở nhà như thu dọn bàn ăn, dọn đồ đi ngủ...
Thậm chí bé còn chê mẹ không rửa tay theo đúng các bước vệ sinh mà cô giáo hướng dẫn, ra đường thì nhắc mẹ đèn đỏ phải đứng lại, đèn xanh mới được đi...”.
Chị Hằng cho rằng: “Ngoài rèn kỹ năng trong các tiết dạy thì việc mỗi tháng trường tổ chức lễ hội một lần cũng là dịp rèn kỹ năng giao tiếp, vui chơi cho trẻ trước đám đông rất tốt. Thỉnh thoảng bé còn được đi học ngoại khóa ở đền thờ vua Hùng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bưu điện TP HCM...”.
Chiếc nôi của ngành giáo dục mầm non TP HCM
“Trường mầm non 30/4, quận 1 khi mới thành lập là Nhà trẻ 30/4. Trải qua 39 năm hoạt động, đội ngũ sư phạm của trường đã có nhiều nỗ lực để xây dựng, cải thiện môi trường giáo dục vừa thẩm mỹ vừa đạt được hiệu quả cao trong giảng dạy.
Trường 30/4 còn là chiếc nôi đào tạo rất nhiều cán bộ quản lý giỏi cho ngành giáo dục mầm non của TP. Nhiều hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non, chuyên viên Phòng GD-ĐT hiện nay có xuất thân từ giáo viên Trường mầm non 30/4”.
ThS Nguyễn Thị Kim Dung
(trưởng Phòng giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP HCM)
(trưởng Phòng giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP HCM)
Đăng nhận xét